Tôi: “…”
Tôi xin rút lại lời nói lúc nãy, tôi không muốn quan tâm bà nữa đâu, hu hu hu!
May mà mẹ tôi xót con, thấy sắc mặt tôi không ổn lắm, bèn nói: “Em thấy con bé gần như ổn rồi, hay là thôi đi nhỉ?”
“Con bé nhỏ thế này, sao chịu nổi khổ như vậy được.”
“Ngay cả con chó nhà mình trung thành như thế, dù có quay về cũng sẽ không làm hại nó đâu.”
Bà và bố tôi thấy mẹ nói cũng có lý, thế là tôi tránh được cái cảnh bị trói lên cây ở đầu làng để trừ tà thêm lần nữa.
Đêm đó, khi tôi đang ngủ, cương thi lại lén lút vào phòng tôi, đứng bên giường nhìn tôi.
Nhưng lần này chú ấy không dọa tôi nữa, mà trò chuyện với tôi, còn kể cho tôi nghe về những câu chuyện thời xưa của mình.
Chú ấy thật tốt! Dù là chủ nợ của tôi, nhưng tôi đã xem chú ấy là người bạn tốt nhất của mình rồi!
Tôi vỗ vào giường: “Chú không ngồi xuống nói chuyện à?”
Cương thi nhìn tôi khó xử.
“Cương thi chúng ta không thể gập đầu gối.”
7.
Cương thi, một cương thi đã chết hơn hai trăm năm, được chôn trong mảnh đất dưỡng thi, nằm trong quan tài gỗ mun, hấp thụ tinh hoa trời đất ngày đêm, ăn cả kẹo cao su tôi mua, đạo hạnh của chú ấy không hề tầm thường.
Ngoại trừ việc đầu gối không thể gập lại, thì trí tuệ cũng chẳng khác gì người bình thường.
Lúc đó, tôi vẫn còn học tiểu học, nhiều chữ còn chưa biết.
Cương thi thấy vậy không chịu nổi, bèn cầm sách giáo khoa lên, tự mình dạy tôi.
Dưới ánh trăng, cương thi đứng bên đầu giường tôi, cầm sách học, vừa đọc vừa lắc lư:
“Đầu giường ánh trăng rọi
Ngỡ mặt đất phủ sương.
Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương.”*
(*Tĩnh Dạ Tứ của Lý Bạch)
Tôi: “Thần kỳ thật đó, chú lắc lư như vậy mà cái mũ không rơi xuống à?”
Cương thi đứng khoanh tay, mặt mày u ám, tỏ ra phong thái của một học giả già.
“Thầy dạy học, không được ngắt lời!”
“Lần sau còn thế nữa, ta đánh vào tay!”
Tôi cười lăn lộn, chú ấy không biết rằng học sinh tiểu học chúng tôi toàn là những đứa bướng bỉnh sao?
“Chú còn tự cho mình là thầy thật à? Thầy của chúng tôi là một cô giáo xinh đẹp, chứ không phải chú đâu!”
Cương thi rất tự hào.
“Ta năm đó chính là nhất giáp tiến sĩ, làm lão sư của ngươi mới thật là phí tài!”
“Mau đọc sách, không thì ta đánh vào tay ngươi đấy!”
Tôi không hiểu, một người chết đã lâu như vậy, tại sao lại thích làm thầy người khác đến thế.
Có lẽ chú ấy chết quá sớm, không có gì giải trí, nên niềm vui duy nhất là trêu đùa tôi.
À không, là chủ nợ.
Để chiều ý chú ấy, tôi đành phải lắc lư đọc sách theo chú ấy.
“Đầu giường ánh trăng rọi…” Haiz, cuộc sống thật không dễ dàng, học sinh tiểu học thở dài!
8.
Ngoài việc ép tôi học bài và cướp đồ ăn vặt của tôi, thật ra cương thi cũng đối xử với tôi rất tốt.
Tôi chỉ huy chú ấy xuống sông bắt cá, trèo cây lấy trứng, hái quả trên cây.
Cương thi nhảy một cái mấy chục mét, đi lại nhanh như gió. Hoàn toàn thích hợp cho việc này.
Cả hai chúng tôi còn từng nướng khoai lang dưới ruộng, thả diều cùng nhau.
Cương thi có chút ám ảnh tâm lý về việc nướng khoai lang, không dám lại gần, lần nào tôi nướng xong mang đến chú ấy mới chịu ăn.
Chú ấy cao lớn, nhảy rất nhanh, diều mắc vào người chú ấy, có thể bay lên dễ dàng.
Có khi, sau khi bắt cá xong, chú ấy đứng bên cạnh tôi thả diều, còn tôi ngồi nướng cá bên cạnh.
Chú ấy cũng từng dạy tôi viết chữ to trên bờ ruộng đầy cát.
Dù gì thì chú ấy cũng là chủ nợ, việc học của tôi luôn được chú ấy quản rất chặt.
Tôi biết rõ, khoản nợ này tôi không thể tránh được, nợ một chiếc quan tài là phải đền.
Tôi, một đứa trẻ nông thôn, nếu chỉ trông vào việc trồng trọt, cả đời cũng không trả nổi, chỉ có cách học hành, thành tài mới mong trả được!
Vì vậy, tôi học tập chăm chỉ, không ngại mưa gió, đến sớm về muộn.
Người khác học vì sự phát triển của nước nhà, tôi học vì để trả chiếc quan tài cho cương thi.
Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của chú ấy, chữ của tôi ngày càng đẹp, khiến thầy cô đều nhìn tôi bằng ánh mắt khác.
“Lý Nặc Nặc, chữ em hồi học kỳ trước còn như gà bới, sao mới nửa học kỳ mà đã viết đẹp như thế này rồi?”
Tôi không kiêu căng, thành thật trả lời câu hỏi của cô giáo: “Em thường ra bờ sông, viết chữ trên cát.”
Chủ yếu là vì thời gian nướng cá và khoai quá lâu, nên tôi tập viết cho đỡ chán.
“Trước khi đi ngủ buổi tối, em cũng viết một trang, không viết xong thì không ngủ.”
Thật ra, tôi không muốn tập viết đâu, nhưng cương thi không cho tôi ngủ.
Cô giáo cảm động đến nỗi gọi cả thầy hiệu trưởng tới.
“Làm sao lại có một học sinh tự giác, chăm chỉ học hành như vậy!”
“Đứa trẻ này tương lai nhất định sẽ thành đạt!”
Sau đó, họ bảo tôi viết một bài, gửi lên huyện thi, còn đoạt giải nữa, giải thưởng là một bộ đồ dùng học tập, trường học cũng thưởng cho tôi năm đồng!
Năm đồng!
Với một đứa trẻ chỉ có năm hào tiền tiêu vặt mỗi ngày như tôi, đây thực sự là một khoản tiền lớn!
Ngày nhận được tiền, tôi nhảy chân sáo về nhà, phấn khởi đưa hết năm đồng cho cương thi.
“Đây! Đây là tiền thưởng tôi kiếm được nhờ viết chữ, đưa hết cho chú!”
“Tôi biết số tiền này chưa đủ để đền quan tài cho chú, nhưng tôi nhất định sẽ cố gắng!”
Cương thi nhìn tôi mồ hôi đầm đìa, rồi nhìn tờ năm đồng trong tay tôi.
Chú ấy mỉm cười nhẹ.
“Năm đồng? Vậy ngươi mua cho ta chai nước ngọt đi?”
9.
Loại nước ngọt mà cương thi nói đến là loại đóng trong chai thủy tinh, có ba loại: Fanta, Sprite và Coca-Cola.
Vào mùa hè, chúng được ướp lạnh trong tủ đá, mở nắp chai ra, rồi lấy ống hút từ chủ quán và uống từng ngụm.
“Ực ực ực… Ah!~”
Rất ngon.
Giá của mỗi chai lên tới năm hào.
Ngày xưa, khi tiền tiêu vặt của tôi chỉ dùng cho bản thân, thỉnh thoảng tôi cũng xa xỉ một lần.
Nhưng từ khi cương thi trở thành chủ nợ của tôi, tôi không còn mua nước ngọt nữa, vì đó là thứ xa xỉ.
Nghe lời cương thi, tôi cực kỳ dao động, liếm môi, nhưng vẫn do dự nói: “Như vậy không hay lắm, đây là tiền để mua quan tài cho chú mà.”
Cương thi hào phóng đáp: “Không sao, dù gì cái quan tài đó cũng hỏng rồi.”
“Ngươi muốn uống gì?”
Tôi đáp: “Tất nhiên là Fanta!”
Tôi mua hai chai nước ngọt, một chai Coca-Cola và một chai Fanta.
Cả hai chúng tôi ngồi trên cây cầu nhỏ, đong đưa chân, uống nước ngọt bằng ống hút.
Tôi: “Ực ực ực… Ah!~”
Cương thi: “Ực ực ực.”
Tôi: “Chú phải nói ‘Ah!’ nữa chứ.”
Cương thi hỏi tôi: “Tại sao?”
Tôi đáp: “Phải nói ‘Ah!’ mới ngon.”
Cương thi học theo tôi, nói “Ah!” một tiếng, sau đó đôi mắt chú ấy cong lên như hình trăng lưỡi liềm.
Tôi hỏi: “Có ngon không?”
Chú ấy đáp: “Ngon!”
Tôi lấy một chiếc nắp chai từ trong túi ra, đưa cho chú ấy: “Nè! Cho chú nè!”
“Uống thêm một chai nữa đi!”
“Nếu không có chú dạy tôi viết chữ, tôi cũng không giành được giải thưởng này, chú uống thêm một chai đi.”
“Số tiền còn lại chúng ta phải để dành, đó là tiền để mua quan tài cho chú!”
Cương thi rất cảm động, rồi bảo tôi lấy chiếc nắp chai đi đổi thêm một chai Fanta mà tôi thích nhất. Chú ấy lấy hai ống hút và chia sẻ cùng tôi.
10.
Chuyện tôi đoạt giải cuộc thi viết thư pháp ở huyện không biết sao lại đến tai ông trưởng thôn.
Ông trưởng thôn cầm loa phóng thanh thông báo trong làng: “Mọi người dừng lại một chút, dừng lại một chút.”
“Con gái nhà Lý Trường Quý, Lý Nặc Nặc, đã đoạt giải trong cuộc thi viết chữ đẹp ở huyện!”
“Thầy giáo đã trao giấy khen, còn tặng thưởng bút máy và quyển vở.”
“Điều này chứng tỏ gì? Điều này chứng tỏ làng Lý gia của chúng ta phong thủy tốt!”
“Nhà Lý Trường Quý, ba đời làm nông dân nghèo, vợ chồng anh ta học hết tiểu học, nhưng con gái anh ta lại viết chữ đẹp như vậy, con cái các gia đình khác cũng có thể làm được!”
Rồi trong làng tôi bắt đầu rộ lên phong trào viết chữ đẹp.
Bố mẹ tôi khi biết chuyện thì không tin, hỏi tôi: “Nặc Nặc, con không được nói dối đâu đấy!”
Làm tôi ấm ức vô cùng.
“Bố mẹ, con thật sự không nói dối.”
Bố tôi không tin, liền chuẩn bị một khay cát.
“Vậy con hãy viết cho bố mẹ và bà nội xem.”
Viết thì viết, dù sao ngày nào con cũng viết mà.
Tôi cầm một cành cây lên, viết vài chữ trên khay cát.
Bố tôi nhìn thấy, xúc động không thôi.
Mẹ tôi nhìn thấy, rơi nước mắt.
Bà nội tôi nhìn thấy, lập tức cảm ơn tổ tiên đã phù hộ.
“Nặc Nặc… con học cái này từ đâu?”
“Con gái của mẹ sao lại có tài năng lớn đến vậy!”
Tôi không dám nói thật.
Chẳng lẽ tôi lại bảo họ rằng tôi ngày ngày ở cùng một cương thi, còn được cương thi giám sát việc học hành sao?
Suy nghĩ một lát, tôi quyết định nói nửa sự thật.
Nói nửa sự thật thì không gọi là nói dối, tôi vẫn là đứa trẻ ngoan.
“Kể từ sau lần trừ tà trước, mỗi tối đều có một người đến dạy con viết chữ và đọc sách.”
“Nếu con viết không tốt, người đó không cho con ngủ.”
Bố tôi xúc động nắm chặt lấy tôi: “Người đó trông như thế nào?”
Tôi đáp: “Ơ… ăn mặc giống như người xưa.”
Bố tôi lập tức bật khóc xúc động.
“Chắc chắn đó là tổ tiên nhà họ Lý chúng ta, tổ tiên phù hộ, dòng họ Lý nhà ta có quý nhân rồi!”