5
Kì nghỉ hè năm hai đại học, tôi trở về quê vào đúng hôm xảy ra động đất.
Khương Ninh thực tập vào mùa hè, cùng vài nhà báo khác đến hiện trường.
Vì động đất xảy ra đột ngột chưa kịp chuyển vật tư tới.
Tôi cùng nhiều người dân ngồi ngoài quảng trường, thấy Khương Ninh lấy hết bánh mì và nước trong balo để đem phát cho mọi người hết.
Cô ấy nói mình đã ăn rồi, không đói.
Vài nữ sinh đại học cùng đi thực tập khác đều đứng xa xa.
Cầm gậy tự sướng, vừa rớt nước mắt vừa livestream.
Chỉ có cô ấy, mặt mũi lem luốc, giúp đỡ các nhân viên cứu hộ cứu người.
Cô ấy an ủi mọi người rằng tối đa thì trời tối đã có đầy đủ vật tư, mong mọi người đừng hoảng loạn.
Một nữ sinh thực tập cùng tới đã hỏi cô ấy, bảo cô ấy từ sáng tới giờ chưa ăn gì, sao không để lại một chút cho mình.
Cô ấy cười nói, tôi không sao đâu, coi như giảm cân vậy.
Trong màn chiều chập choạng, tôi cứ nhìn cô ấy, thấy cô ấy đẹp quá, khiến người ta chỉ cần nhìn là không thể rời mắt.
Sau này, năm tư đại học, cô ấy phỏng vấn tôi.
Thực tế không phải vô tình chạm mặt, mà do tôi đã mưu tính từ lâu.
Kết thúc lần phỏng vấn ấy, không dám chủ động rủ cô ấy, tôi cố tình nhắc tới chuyện một tiệm cá nướng mới mở ngoài trường, nghe nói rất ngon.
Đúng như dự đoán, Khương Ninh liền thuận thế mời tôi đi ăn cùng để cảm ơn tôi đã phối hợp trả lời phỏng vấn.
Tôi lập tức đồng ý.
Sau khi chia tay cô ấy, tôi mới ra nước ngoài.
Có một lần, người công ty luật nói với tôi là có một tờ báo trong nước muốn phỏng vấn tôi, tên là Tứ Quý.
Đó là tờ báo mà Khương Ninh thực tập hồi đại học, Khương Ninh từng nói rất thích ở đó, sẽ gắn bó lâu dài.
Tôi cứ nghĩ người phỏng vấn tôi có lẽ là Khương Ninh, vì thế mới đồng ý trả lời phỏng vấn.
Tiếc thay, cuối cùng cũng chẳng phải cô ấy.
Dĩ vãng trùng trùng điệp điệp, như một tấm lưới khổng lồ giăng kín cả người tôi.
Tôi đã lấy đoạn ghi âm cuộc thoại cuối cùng của Khương Ninh và tôi, nằm trên giường rồi hết lần này đến lần khác nghe cô ấy nói chữ cuối cùng.
“Cứu…”
“Cứu…”
Cô ấy muốn tôi cứu.
Tôi đã cúp điện thoại, mặc cho cô ấy đơn độc một mình trong cảnh nước sôi lửa bỏng.
Tôi rơi vào cơn ác mộng, lại bừng tỉnh.
Lặp đi lặp lại, không bao giờ ngừng.
Cả người lạnh toát, gối ướt đẫm nước mắt.
Ngoài cửa sổ, ánh trăng lạnh lẽo, soi cả căn phòng ngủ thành địa ngục.
6
Bác sĩ nói, tôi mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng.
Ông ấy khuyên tôi đi đến bệnh viện tâm thần, điều trị khép kín.
Tôi từ chối.
Ngày đi tìm Khương Ninh, tôi đã tới nơi cô ấy ở.
Trong ngăn tủ đầu giường, tôi tìm được tờ séc năm đó mẹ tôi đưa cho cô ấy.
Giấy đã hơi ngả vàng, chưa từng qua sử dụng.
Lờ mờ nhớ lại lúc trước khi biết được bà lão lừa đảo chính là bà nội Khương Ninh, từng giễu cợt nói: “Ồ, ra là thế”.
Những lời tổn thương đã nói khi xưa, giờ đây lại như bóp chặt chính yết hầu tôi.
Tôi run run lấy tờ séc ra.
Bên dưới tờ séc đó, còn thấy một chồng nhật ký dày cộm và một tập bệnh lý về sức khỏe tâm thần.
Trong ba năm, bệnh tình của Khương Ninh từ trầm cảm, chuyển nặng thành trầm cảm mức độ vừa và rồi là trầm cảm mức độ nặng.
Cô ấy từng vì được trở thành một phóng viên mà tự hào, vậy mà sau này, lại bởi thân phận phóng viên, mà phải chịu một sự trả thù tàn nhẫn.
Tôi tính thời gian, tính xem ngày cô ấy bị người đàn ông kia làm hại.
Đột nhiên tôi sợ hãi nhớ ra, hôm sau đó, Khương Ninh dường như đã ra nước ngoài tìm tôi.
Tại nước ngoài, đứng trên đường phố đông đúc đầy người qua lại, tôi nhìn Khương Ninh đứng đó.
Gương mặt cô gái đầy những vết thương tím bầm đen sì, khuôn mặt tái nhợt như ma.
Lúc ấy,tôi nghĩ, không thể nào là Khương Ninh được.
Tôi cho rằng mình bị hoa mắt, hoặc là nhận nhầm người, nên chỉ nhíu mày.
Cô gái ấy nhanh chóng biến mất khỏi tầm mắt tôi.
Tôi run rẩy giở từng trang nhật ký.
Trang nào cũng viết đầy chữ, nội dung ghi chép lại, chỉ có duy nhất một cái tên. “Cố Thâm”. “A Thâm”.
Mắt tôi muốn rách ra nhìn chằm chằm những dòng chữ kia.
Giây phút này, tôi mới nếm trải được nỗi đau đớn tột cùng thấu tận xương tủy.
Tôi lật hết cuốn nhật ký này đến cuốn nhật ký khác, cho đến khi lật đến trang đầu tiên của cuốn nhật ký cuối cùng, tôi thấy được những dòng chữ không hoàn toàn là tên mình.