1.
Tôi chưa bao giờ dám nói mức lương thực tế của mình cho bố mẹ biết.
Một tháng tôi kiếm được 20.000 tệ, tôi nói với mẹ rằng mỗi tháng tôi chỉ nhận được 5000.
Mẹ tôi nghe vậy thì rất vui:
“Thế thì tốt quá, cho em trai con 1500, em gái con 1500, 500 còn lại cứ để ở chỗ mẹ.”
Tôi tưởng mình nghe nhầm:
“Tại sao chứ? Đó là tiền công do con vất vả làm viêc cả tháng trời!”
Nhưng vừa mới nâng cao giọng một chút, bố tôi đã cầm cái muôi đi ra:
“Lại ầm ĩ cái gì?”
Bố tôi hỏi:
“Từ nhỏ đến lớn, mỗi đứa đều có một cái đùi gà, một bát cơm, mỗi người một cái tát, bây giờ con kiếm được tiền rồi, sao có thể không công bằng chứ?”
Công bằng là nguyên tắc giáo dục cao nhất trong gia đình tôi.
Lúc tôi mười tuổi, bố mẹ đã dạy chúng tôi rằng, giữa anh chị em trong nhà nhất định phải công bằng.
Vì vậy, khi tôi giúp bà Lâm hàng xóm trông quán, bà Lâm cho tôi nửa cân hạt dưa, dù thèm lắm nhưng tôi vẫn phải cố nhịn nước miếng để về nhà chia từng hạt một cho em trai và em gái.
Lúc em trai tôi đánh nhau với bạn bè, người ta đến tận nhà mắng chửi, bố mẹ bắt tôi và em trai, em gái đứng thành hàng, mỗi người đều bị tát một cái.
Tôi không phạm lỗi mà vẫn bị đánh, ấm ức đến mức khóc rống lên.
Bố tôi tự hào nói:
“Đây gọi là hình phạt tập thể, em con phạm lỗi, tất cả mọi người đều bị đánh, sau này xem các con có dám phạm lỗi nữa không!”
Em gái tôi không thích học tập.
Tôi nhìn điểm số của em ấy, lòng tràn đầy lo lắng, sợ bố mẹ sẽ bắt chúng tôi phải công bằng về điểm số.
May mắn thay, bố mẹ tôi không phát rồ đến nỗi vậy.
Thỉnh thoảng khi tôi nghi ngờ về phương pháp giáo dục của bọn họ, mẹ lại cho tôi xem các tin tức về trọng nam khinh nữ:
“Chúng ta đối xử với con không tốt à? Con xem các gia đình trọng nam khinh nữ họ ra sao?”
“Chúng ta có thiên vị em trai con một chút nào không? Con có biết rằng, việc chúng ta đối xử công bằng đã cướp đi tài nguyên của em trai con hay không?”
“Hay là chúng ta không công bằng nữa, chúng ta trọng nam khinh nữ có được không?”
Tôi bị dọa sợ khóc thét.
Trong các tin tức mẹ cho tôi xem, có những ông bố bà mẹ đã nhẫn tâm bán đi cô con gái mười mấy tuổi của họ, chỉ để cưới vợ cho con trai.
Hoặc có những bà mẹ vẫn luôn sinh con gái, vì muốn có con trai mà lạnh lùng đ.â.m kim vào người con gái.
Em gái tôi cũng khóc ầm lên nói không cần trọng nam khinh nữ.
Em trai tôi thì rất vui, nhưng nó ngay lập tức bị bố đánh vào mông.
Tất nhiên, sau đó, bố cũng quay ra đánh tôi và em gái.
Ông nở nụ cười kiêu hãnh:
“Chúng ta không phải loại gia đình như vậy.”
Trong những gia đình đó, con cái thường được đặt tên như: Chiêu Đệ, Dẫn Đệ, Phán Đệ, Diệu Tổ.
Còn nhà tôi, tôi tên là Hứa Củ, em gái tôi tên là Hứa Bình, em trai tôi tên là Hứa Hành.
Các bạn cùng lớp hay thắc mắc, tại sao một cô gái như tôi lại có cái tên “nam tính” như vậy.
Tôi nói với họ rằng “Củ” nghĩa là bố mẹ tôi hy vọng tôi sẽ hành xử ngay thẳng.
Thực ra, bố mẹ tôi nói, họ đặt cho tôi cái tên này, là hy vọng tôi sẽ tuân thủ những quy củ trong gia đình, như hình chữ nhật, không nghiêng không lệch, hết sức công bằng.