Đóa Hoa Đẹp Nhất

Chương 4


17

Người ta đều khen ta giỏi giang, nhưng thứ ta mong muốn còn nhiều hơn thế.

Ta học trong sách rằng, muốn làm ăn lớn, không thể chỉ biết giữ vững.

Rảnh rỗi, ta mang đậu phụ tự làm đi mời chào các tửu lầu.

Không ít lần bị từ chối phũ phàng.

Có chưởng quầy thẳng thừng nói, họ không làm ăn với nữ nhân, càng không làm ăn với quả phụ.

Ta không nản lòng.

Lần sau, ta cải trang thành một nam nhân.

Cuối cùng, có một quán rượu nhỏ chịu đặt hàng với ta.

Lúc ký khế sách xong, lão bản thở dài: “Thật hiếm thấy một nữ tử kiên cường như ngươi.”

Ta gãi đầu: “Hóa ra ngài đã nhìn thấu từ lâu rồi ạ.”

“Ngươi trắng trẻo thế này, ta làm sao không nhận ra.”

Ta cầm tờ khế sách, vui mừng chạy tới học đường, đóng học phí cho Thanh Nhi.

Trước ngày Thanh Nhi đi học, ta tự tay khâu cho nàng chiếc cặp sách.

Xương Nhi ghen tị: “Mẹ, ngày con đi học, mẹ chẳng lo lắng như vậy.”

“Con không hiểu đâu, con gái đi học là chuyện khó, mẹ phải năn nỉ phu tử mãi ông mới chịu nhận muội muội con.”

Xương Nhi dường như hiểu ra: “Vậy tại sao mẹ phải tốn công đến vậy? Dù muội muội không đi học, con vẫn có thể nuôi hai người mà.”

Ta cười: “Con gái học chữ, lòng dạ rộng rãi, không cần dựa vào hôn nhân hay bất kỳ ai, cũng có thể tự lập, tự cường.”

Xương Nhi gật đầu: “Con hiểu rồi, giống như mẹ vậy.”

Ngày đầu Thanh Nhi đi học, ta đích thân đưa nàng.

Cô bé bị kẹo hồ lô bên đường thu hút, ta không giữ chặt tay, nàng liền chạy sang bên kia, đúng lúc một chiếc kiệu xông tới.

May thay, phu kiệu kịp thời dừng lại.

“To gan, dân đen mà dám va vào kiệu quan.”

Ta bảo vệ Thanh Nhi: “Đại quan nào mà thế lớn đến vậy.”

“Tân khoa trạng nguyên.”

Tim ta chợt nhói, nói: “Trạng nguyên thì đã sao, con gái ta chưa đầy năm tuổi, chẳng lẽ ngươi muốn xử tội nó?”

Rèm kiệu vén lên, đôi ủng quan màu đen đập vào mắt.

Một giọng nam quen thuộc vang lên: “Lâm nương tử, đã lâu không gặp.”

Ta ngẩng đầu, tim đập loạn xạ, khóe mắt thoáng ươn ướt.

“Lục… Lục Hoài Cảnh.”

Hắn đưa tay đỡ ta dậy, ánh mắt sâu thẳm.

“Nhờ nàng giúp đỡ ta mới đỗ trạng nguyên, về đây bái tổ.”

18

Huyện Tùng Sơn xuất hiện một vị trạng nguyên.

Tạp viện chật kín người, kẻ đưa thiệp mời, kẻ mời dự tiệc, kẻ đến làm mai.

Xuân thẩm hỏi ta, tại sao không đến đòi bạc.

Ta bảo: “Không vội, chờ hắn bớt bận rồi hẵng nói.”

“Nghe nói Lục Hoài Cảnh chỉ ở đây một tháng rồi vào kinh nhậm chức, ngươi phải tranh thủ.”

“Không rảnh, ta đã để ý một cửa tiệm, muốn thuê lại.”

“Ngươi có đủ bạc không?”

“Ừ, không cần Lục Hoài Cảnh trả bạc, ta cũng đủ rồi.”

Ta thương lượng với chủ tiệm, trời bỗng đổ mưa lớn.

Giá cả chưa bàn xong, ta sốt ruột không yên.

Hạt mưa to bằng hạt đậu làm ướt giày ta.

Chủ tiệm nói mỉa: “Một nữ nhân thì làm ăn gì, nhân lúc còn chút sắc hãy gả cho người ta đi.”

Ta giả vờ không nghe thấy, đứng dưới mái hiên chờ tạnh mưa.

Rầm, cánh cửa sau lưng đóng sầm lại.

Phố xá vắng tanh.

Một bóng người tiến đến, hắn vừa cười vừa nhìn ta.

“Nàng tính toán đi đâu?”

Khi ta đứng cạnh hắn, mới nhận ra Lục Hoài Cảnh cao hơn ta cả cái đầu.

Hắn cột tóc bằng ngọc quan, khoác áo dài gấm xanh, nhiều hơn mấy phần tự phụ. Lưng ta bỗng nhiên lạnh toát.

“Ta chẳng đi đâu cả, chờ tạnh mưa rồi về nhà.”

Hắn rút từ ống tay áo ra một tờ giấy, nhét vào tay ta.

“Hay là theo ta vào kinh.”

Tim ta thắt lại, quên cả lời để nói.

Chỉ nghe hắn bảo: “Ta đã mua cho nàng một cửa tiệm ở kinh thành, nếu nàng đồng ý, hãy theo ta, mang theo đệ đệ và hai đứa nhỏ.”

Ta nuốt khan, hắn lại nói: “Nếu nàng không nguyện ý, ta sẽ theo như cam kết hôm ấy, trả lại nàng gấp mười lần số bạc.”

“Có ý gì vậy? Ta không hiểu.”

Một cơn gió thổi qua, chiếc lồng đèn trên đầu lung lay, trái tim ta cũng rung động theo.

Giọt mưa đọng trên hàng mi dài rậm của hắn, như thể vội vã kéo tới.

Lục Hoài Cảnh cười nhẹ, đôi mắt cong cong: “Gả cho ta, thế nào?”

19

Đột nhiên, một tiếng sấm nổ vang trên bầu trời, làm đầu óc ta ù đi, trống rỗng.

Đôi mắt hắn từ đầu đến cuối vẫn nhìn chằm chằm vào ta.

Ta lắp bắp: “Ta nghe nói có nhiều nhà quyền quý muốn gả con gái cho ngươi. Tại sao lại chọn ta? Ta không cần ngươi lấy thân báo đáp, ngươi… ngươi trả bạc cho ta là được rồi.

“Ta đã từng gả chồng, giờ là quả phụ, còn có con cái, thực không xứng với ngươi. Huống hồ, ta không làm thiếp của ai cả. Ta còn phải về nhà nấu cơm cho lũ trẻ, xin cáo từ.”

Ta chạy vào màn mưa.

Hắn xoay người, kéo ta lại, khiến ta đâm sầm vào lồng ngực hắn.

“Lâm Hoa, nàng có biết rằng ta đã yêu thầm nàng từ lâu rồi không? Ta muốn cưới nàng làm chính thất, kiệu lớn tám người khiêng, tam thư lục lễ, cưới hỏi đàng hoàng, nàng hiểu không?

“Ta không ngại việc nàng từng gả chồng. Ta không cha không mẹ, trong họ tộc không ai phản đối. Ta thích nàng, tự nhiên sẵn lòng tiếp nhận con của nàng.

“Nàng theo ta đến kinh thành, gả cho ta, sau này nàng vẫn có thể làm ăn buôn bán, hai đứa nhỏ ta sẽ tự mình dạy dỗ…”

Hắn siết chặt cổ tay ta, sức mạnh làm ta đau, nhưng lại có chút bối rối và thẹn thùng.

Ta giẫm mạnh lên đôi ủng dài của hắn, hét lên: “Ngươi như đang làm ăn mua bán chứ không phải cầu hôn. Ai lại cầu hôn kiểu này chứ!”

Hắn kêu đau, buông tay.

Ta vội vàng lao vào cơn mưa.

Khi về đến nhà, trái tim vẫn không ngừng đập loạn. Ta véo mạnh vào mặt mình. Không phải mơ.

Tất cả đều là thật.

20

Cả đêm ta trằn trọc không ngủ, trời chưa sáng, Lâm Mộc Dương đang xay đậu ngoài sân đã gõ cửa phòng ta.

Lục Hoài Cảnh đứng trong sân, sau lưng là một đoàn người.

Bọn họ gánh sính lễ trên vai.

Mưa lúc nặng, lúc nhẹ.

Hắn cứ thế đứng trong mưa, quần áo ướt đẫm, chắp tay nói: “Lâm Hoa, ta thương yêu nàng, nguyện kết mối lương duyên, sinh con đẻ cháu, bên nhau trọn đời.”

Hàng chục gánh sính lễ làm chật cả sân nhỏ của ta.

Những người từng bị Lục Hoài Cảnh từ chối, giờ lại kéo đến nhà ta.

Những kẻ từng chê ta xúi quẩy, bảo hai đứa con ta là điềm xui xẻo, giờ lại khen ngợi không ngớt.

“Lâm nương tử thật hiền đức, làm kế mẫu mà hơn cả mẹ ruột.”

“Xương ca nhi viết chữ đẹp thế này, sau này nhất định đỗ đạt như Lục trạng nguyên, rạng danh dòng họ.”

“Trình Nghị dưới suối vàng hẳn cũng an lòng lắm.”

Ta đang đếm sính lễ, bỗng khựng lại. Ta sắp đi lấy chồng, phải đến báo cho Trình Nghị biết.

Ngày trước khi xuất giá, ta dẫn hai đứa nhỏ đến mộ Trình Nghị.

“Trình đại ca, ta sắp gả đi rồi. Hắn hứa sẽ đối tốt với ta, cũng sẽ đối tốt với hai đứa nhỏ. Huynh yên tâm, nếu hắn bội ước, ta sẽ dẫn bọn trẻ quay về Tùng Sơn. Dù sao ta cũng có khả năng kiếm bạc, ở đâu cũng sống tốt.

“Chúng ta sẽ dọn đến kinh thành, nhưng mỗi năm vào xuân, ta sẽ đưa con về thăm huynh.

“Ta sẽ bước tiếp, Trình đại ca, còn huynh thì sao?

“Trên đường hoàng tuyền, huynh có gặp lại tẩu tẩu không?

“Chắc chắn hai người đã tái ngộ, nắm tay nhau đi đầu thai, hẹn kiếp sau lại làm phu thê, đúng không?”

Ta lau đi giọt nước nơi khóe mắt, bảo Xương Nhi và Thanh Nhi dập đầu ba cái trước mộ.

Trên đường xuống núi, mưa vẫn chưa tạnh.

Không khí ẩm ướt. Chỉ cần đạp mạnh một chút, bùn sẽ bắn lên váy.

Xương nhi nói: “Mẹ, ngày mai là ngày trọng đại của mẹ, nếu trời mưa thì không hay.”

“Không sao, ngày mẹ gả cho cha con, chẳng phải cũng mưa đó sao?”

Cơn mưa trong lòng ta đã kéo dài nhiều năm.

Ta tin rằng, sẽ có ngày nắng đẹp của ta.

Có lẽ lời cầu nguyện của ta đã linh nghiệm.

Ngày xuất giá, trời quang mây tạnh.

Xuân thẩm giúp ta chải tóc, cài trâm ngọc, chân thành khen: “Thật đẹp.”

Một cơn gió nhẹ thổi qua, dải lụa đỏ trên cây bay phấp phới.

Ta xỏ giày thêu đỏ, vừa bước ra ngoài, một bóng người từ xa đến gần.

Hắn quay lưng về phía ta, quỳ xuống.

“Để ta cõng nàng lên kiệu hoa nhé.”

Ta nắm lấy đôi vai vững chắc của hắn, trong sân hoa lê rơi rụng. Ta xòe tay, một cánh hoa rơi ngay vào lòng bàn tay.

Lục Hoài Cảnh mỉm cười: “Đây là trời chúc phúc cho chúng ta, bạch đầu giai lão, bên nhau trọn đời.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.