Rời khỏi Hầu phủ, ta trở về Tây Nhai. Tây Nhai vẫn như xưa, mười mấy cửa hàng san sát nhau, các bà các bác tụ tập nói xấu người khác.
Nhưng Tây Nhai cũng có chút khác biệt.
Ví như, hàng xóm cũ Vương đại nương đã qua đời năm kia, giờ chỉ còn là một nấm mồ nhỏ.
Ta thắp cho bà một nén nhang, thở dài một tiếng. Mấy năm trôi qua, cảnh còn người mất. Như Vương đại nương. Cũng như ta và Tề Sùng.
Mấy kẻ lắm lời nói: “Ồ, chim Phượng Hoàng vàng nhà họ Phùng đã trở lại rồi ư? Sao, còn bị bỏ nữa à?”
Năm đó Tề Sùng cưới ta, mười dặm kiệu hoa, trống kèn rộn rã. Vài nhà kia từng muốn trèo cao, kết thân với ta, đều bị Tề Sùng đuổi khéo. Tới giờ chúng vẫn còn ấm ức lắm.
Lan Thúy đi theo ta năm năm nay, tức giận không chịu được, nhặt đá vụn ném về phía chúng. Diều đó Khiến đám người kia sợ hãi kêu la ầm ĩ.
Ta cũng chẳng bận tâm, mở tấm lọng năm xưa từng dùng khi bán hoành thánh. Màu xanh vỏ trứng vịt, vải đã sờn cũ. Trên đó đề ba chữ son rực: “Hoành thánh nhà họ Phùng”.
Ta bèn nhờ người sửa lại, đổi thành “Hoành thánh Song Lan”.
Một chữ Lan của Lan Thúy, một chữ Song của ta, Phùng Song. Từ nay, ta với Lan Thúy chính là người một nhà.
Ta hướng về các bác các cô cúi chào: “Cảm tạ mọi người đã luôn chiếu cố Song nương, quán hoành thánh của Song nương nay lại mở cửa, mong mọi người ủng hộ.”
Các bác các cô chưa từng gặp ai vừa ra oai xong lại lễ phép như thế, ai nấy đều khịt mũi khinh thường. Ta cũng không bực mình, treo tấm lọng lên trước cửa hàng. Lan Thúy nhe răng trợn mắt, ngồi trên ghế, giống như một tiểu môn thần đáng yêu.
Nàng nói đây là để những yêu ma quỷ quái không dám đến gần, đặc biệt là các bác các cô có ý đồ xấu, ta bất lực cười cười, xoay người đi trộn nhân bánh.
Người bán hàng rong ở kinh thành đa phần chỉ bán nhân thịt và nhân cải xoong, còn ta bán sáu loại nhân. Nhân trứng bắc thảo, nhân thịt, nhân cải xoong, mấy loại nhân này còn có thể trộn lẫn với nhau.
Mẫu thân ta trước đây vẫn làm như vậy. cách biệt năm năm, hoành thánh ta làm ra vẫn là hương vị năm xưa.
Lan Thúy vừa trợn mắt, vừa lớn tiếng rao: “Hoành thánh – hoành thánh – hoành thánh ngon đây!”
Thế nhưng, mãi đến khi trời nhá nhem tối, quán của ta vẫn không có một bóng khách nào.
Chỉ có một tiểu khất cái đến.
Tiểu khất cái trông chừng sáu bảy tuổi, đầu tóc rối bù, mặt mũi lấm lem, chân đi khập khiễng, đôi giày vải rách tả tơi để lộ ra mấy ngón chân. Cậu bé mặc bộ quần áo mỏng manh, gió lạnh luồn vào mấy lỗ thủng to tướng, rét run cầm cập, răng cũng va vào nhau lập cập
Thân hình cậu bé nhỏ thó gầy guộc, ta nhìn cổ tay cậu, chẳng có chút thịt nào, nếu còn nhịn đói thêm hai ngày nữa, e rằng xương sẽ lòi ra ngay.
Bà Triệu bịt mũi nói: “Tên ăn mày con ở đâu ra thế này, cút đi chỗ khác!”
Tiểu khất cái quay người, đi đến dưới một gốc cây lớn. Cậu bé ôm chặt lấy thân mình, cuộn tròn lại, tưởng rằng làm vậy có thể giữ ấm. Bà Triệu vẫn không buông tha, cầm chổi lên định đuổi cậu đi.