Tôi bắt đầu hẹn hò qua mạng.
Người ấy tên là Giang Vọng, bằng tuổi tôi, là sinh viên đại học.
Trong ảnh, anh mặc áo phông trắng, đội mũ lưỡi trai đen, gương mặt tinh tế với một nốt ruồi son nơi khóe mắt phải, trông rất đẹp trai.
Ngay lập tức, tôi đã bị cuốn hút.
Tôi vừa định chuyển tiền cho anh, yêu cầu anh gửi thêm vài tấm hình.
Nhưng bạn thân của tôi đã ngăn lại: “Đừng phô bày tài sản của cậu ra chứ.”
Cô ấy cũng là một tiểu thư. Sau khi bị một sinh viên lừa tiền và tình cảm, cô đã rút ra bài học và cảnh báo tôi không nên trở thành nạn nhân tiếp theo.
Tôi thấy cô ấy nói có lý.
Khi tôi còn đang nghĩ cách xây dựng hình ảnh, bạn thân của tôi, Hứa Trúc Vi, đã phát hiện ra một chi tiết trong bức ảnh.
Góc dưới bên phải có một cái tui nhỏ, trên đó in dòng chữ đỏ: “Thức ăn cho heo.”
Tôi hỏi anh: “Bao đó là gì vậy?”
Giang Vọng trả lời ngay lập tức: “Ngày nào anh cũng phải giúp gia đình cho heo ăn.”
Tôi ngẩn người.
Cho heo ăn?
Bà ngoại tôi ở quê, tôi cũng từng thấy người ta cho heo ăn.
Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh: Một chàng trai thanh tú, đứng giữa một chuồng đầy phân, cúi xuống rải thức ăn, thỉnh thoảng bị những chú heo đẩy nhẹ vào người.
Tôi: ……
Tiêu rồi, tôi giả nghèo mà gặp đúng người nghèo thật.
Bạn thân tôi đập bàn phấn khích: “Anh ta đang ám chỉ cậu đó! Anh ta muốn cậu biết anh ta nghèo, hy vọng cậu cho anh ta tiền.”
Có thật vậy không?
Tôi thấy không đúng lắm, nhưng vẫn tin: “Vậy tiếp theo tớ nên làm gì?”
“Để phản công, cậu phải giả nghèo! Chỉ cần cậu tỏ ra nghèo hơn anh ta, anh ta sẽ không dám đòi tiền cậu.”
Tôi kinh ngạc: “Cậu đúng là một thiên tài.”
Vậy nên tôi vắt óc suy nghĩ, đưa ra một câu chuyện: “Em còn thảm hơn cả anh, em không chỉ cho heo ăn, mà còn phải làm ruộng từ sáng đến tối, mệt c.h.ế.t đi được.”
Anh ấy im lặng một lúc.
Anh nói: “Thật ra anh kiếm học phí bằng cách nhặt ve chai.”
Tôi: “Lần trước em còn phải cầm bát đi ăn xin, nhưng rồi cái bát cũng bị người khác cướp mất.”
Anh: “Mấy ngày trước trời mưa to, gió lớn, mái nhà lợp bằng rơm của gia đình anh cũng bị thổi bay.”
Tôi không chịu thua: “Anh còn có nhà để ở, em toàn ngủ trong nhà vệ sinh đấy.”
Đối phương dường như bị sốc.
Anh im lặng một lúc lâu.
Tôi hỏi Hứa Trúc Vi: “Sao anh ấy không nói gì?”
“Có lẽ anh ta bị cậu làm cho cười đến mức không nói nên lời.”
Tôi muốn cười, nhưng không cười nổi.
Vì tôi chỉ giả nghèo, còn Giang Vọng thì nghèo thật.
Tôi thấy anh ấy tội nghiệp.
“Tớ muốn giúp đỡ anh ấy.”
Lần này, bạn thân tôi không phản đối.
Vì Giang Vọng thật sự quá nghèo.
“Nhưng cậu vẫn nên cẩn thận, tránh bị lừa.”
“Hay là thế này, cậu hẹn gặp anh ấy ngoài đời thật, kiểm tra xem anh ấy là người như thế nào rồi mới quyết định có giúp đỡ hay không.”
Tôi gật đầu, quay lại nhắn hỏi Giang Vọng: ” Anh muốn gặp nhau ngoài đời thật không?”
Anh ấy gửi một tin nhắn âm thanh.
Tôi nhấn vào nghe.
Giọng nói của anh trong trẻo, vang lên qua điện thoại, nhẹ nhàng, đầy ấm áp.
“Được.”
…
Chúng tôi hẹn gặp nhau ở Bắc Kinh.
Lần đầu tiên gặp người yêu qua mạng ngoài đời thật, tôi có chút hồi hộp.
Để duy trì hình ảnh của mình, tôi đã cố tình mặc một chiếc áo hoodie trắng, không có logo gì cả, trông giống hệt những chiếc áo bán ngoài vỉa hè với giá ba mươi nghìn ba cái, chỉ khác là mặc vào thoải mái hơn.
Khi gặp mặt, tôi thấy Giang Vọng còn “đỉnh” hơn tôi.
Anh mặc một chiếc hoodie xám, cổ áo đã bạc màu. Da anh trắng, sống mũi cao, đôi môi đỏ hồng, hàng mi dài tạo thành bóng râm dịu dàng trên gương mặt thanh tú của anh. Dù nghèo nhưng anh vẫn đứng thẳng lưng.
Anh đưa tôi một chiếc hộp nhung đỏ.
Anh nháy mắt: “Quà gặp mặt, về nhà rồi mở ra nhé.”
Tôi ngập ngừng.
Chiếc hộp này trông khá sang, chắc cũng tốn kha khá tiền.
“…Anh đã làm thêm mấy ngày để mua nó?”
“Gì cơ?”
Anh phản ứng nhanh chóng: “Một… tuần thì phải.”
Tôi thở phào, vậy cũng ổn.