Tim tôi ngừng đập, không còn một chút động tĩnh.
Tôi bay lên không trung nhìn xuống, người đang nằm trên giường bệnh là tôi.
Xem ra đã tôi c.h.ế.t hẳn rồi.
Chỉ có Trần Kiến Dương là không ngần ngại ở bên cạnh tôi.
Anh ôm tay tôi, ép đầu mình lên tấm drap trải giường màu trắng, khóc đến mức khó thở.
Tôi đưa tay ra muốn chạm vào người anh, nhưng lại xuyên thẳng qua.
Giờ tôi mới nhận thức rõ, tôi đã là một linh hồn rồi.
Bố mẹ tôi vội vội vàng vàng chạy tới, hai người chống đỡ cho nhau mới có thể gượng gạo đứng thẳng.
Tôi muốn trở về thân thể của mình.
Tôi chết, chắc hẳn bố mẹ tôi sẽ buồn lắm.
Đáng tiếc là tôi không thể trở về được nữa.
Lễ tang của tôi không tổ chức quá lớn, Trần Kiến Dương cũng có tới tham dự.
Cô gái trên di ảnh cười rất tươi, nhưng tôi cười không nổi.
Bố mẹ chỉ có một đứa con là tôi, phải làm thế nào bây giờ?
Sinh nhật Trần Kiến Dương biến thành ngày giỗ của tôi, anh sẽ áy náy đến c.h.ế.t mất, phải làm sao đây?
Tôi phải làm gì đây? Cái gì tôi cũng không làm được nữa rồi.
Linh hồn không thể chảy nước mắt.
Ngay cả một nơi để thổ lộ tâm tình, tôi cũng không có.
Có thể là cái c.h.ế.t của tôi đến quá đột ngột, bố mẹ tôi đẩy trách nhiệm lên người Trần Kiến Dương.
Mẹ đánh lên người anh, cứ đánh đi đánh lại mãi, anh không nhúc nhích một tí nào, giống như bức tượng đá.
Mẹ nói: “Tất cả là tại cậu! Nếu Viên Viên không đi mua bánh sinh nhật cho cậu, con bé sẽ không phải gặp những chuyện như thế này! Đều do cậu cả!”
Mẹ, đừng trách anh ấy.
Tôi bay lơ lửng ở giữa mẹ và Trần Kiến Dương, muốn dùng thân thể ngăn cản những lời nói như d.a.o găm kia.
Nhưng những cái đánh, những lời nói như d.a.o cứ thế xuyên qua người tôi, từng cái từng cái, toàn bộ đều rơi vào người Trần Kiến Dương.
Rõ ràng là mấy tháng trước, mẹ còn kéo tay Trần Kiến Dương dặn dò, chăm sóc cho Viên Viên thật tốt nhé.
Rõ ràng là mấy tháng trước, Trần Kiến Dương vẫn còn đang thảo luận với tôi, nên mua quà gì cho mẹ em đây.
Rõ ràng là mấy tháng trước, tôi và Trần Kiến Dương vẫn còn là cặp thanh mai trúc mã người người ngưỡng mộ.
Trần Kiến Dương xin lỗi mẹ tôi.
Đã từng có một Trần Kiến Dương vui vẻ thoải mái đến nhà tôi dùng bữa cơm gia đình, nay đến cửa nhà tôi, anh cũng không dám bước vào.
Phương Viên Viên mười chín tuổi, đã trở thành vết sẹo trong lòng Trần Kiến Dương.
Năm thứ nhất sau khi tôi chết, Trần Kiến Dương hai mươi mốt tuổi, bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm.
Anh chọn nghỉ học.
Nhốt mình trong phòng tối cả ngày lẫn đêm..
Tôi nhìn anh vẽ một bức lại thêm một bức tranh.
Bút vẽ và thuốc màu rơi tán loạn trên đất, lọ thuốc trầm cảm lăn lộn trong đấy, bị màu sắc tươi đẹp vùi lấp.
Anh vẽ gì ấy nhỉ?
Vẽ Phương Viên Viên sáu tuổi, đeo kẹp tóc nhỏ, tay ôm búp bê.
Vẽ Phương Viên Viên bảy tuổi, đeo cặp sách, ngày đầu tiên học tiểu học.
Vẽ Phương Viên Viên tám tuổi, cưỡi xe đạp, điểm số không tốt nên gào khóc sướt mướt với anh.
Vẽ Phương Viên Viên chín tuổi, dưới ánh đèn vàng, đang ngồi vẽ tranh.
Vẽ Phương Viên Viên mười tuổi ngồi trước cây dương cầm, đang mờ mịt luống cuống vì mới tiếp xúc lần đầu tiên.
Vẽ Phương Viên Viên mười một tuổi, tay cầm chiếc bánh sinh nhật, đang đội chiếc nón nhỏ.
Vẽ Phương Viên Viên mười hai tuổi, ngồi bên bệ cửa sổ, đang làm mặt quỷ với Trần Kiến Dương ở nhà đối diện.
Vẽ Phương Viên Viên mười ba tuổi, đang chống cằm, ngẩn người suy tư.
Vẽ Phương Viên Viên mười bốn tuổi, ngủ gật khi đang làm bài tập ở nhà Trần Kiến Dương.
Vẽ Phương Viên Viên mười lăm tuổi, cầm máy chụp ảnh, lén chụp hình Trần Kiến Dương.
Vẽ Phương Viên Viên mười sáu tuổi, nửa đêm vẫn sáng đèn, làm bài tập hè.
Vẽ Phương Viên Viên mười bảy tuổi, đi vườn thú với Trần Kiến Dương, đút lá cây cho hươu cao cổ ăn.
Vẽ Phương Viên Viên mười tám tuổi, mặc bộ lễ phục tinh xảo, trang điểm thật xinh đẹp —- trong buổi lễ trưởng thành.
Vẽ Phương Viên Viên mười chín tuổi, đi du lịch ở thành phố Hải với Trần Kiến Dương sau kì thi vào đại học, đang nhặt vỏ sò trên bãi cát.
Trần Kiến Dương nói, tài vẽ tranh của anh sinh ra là để vẽ tôi.
Có lẽ người họa sĩ nhỏ của tôi không thể vẽ những gì không có thật.
Anh không vẽ tôi năm hai mươi tuổi.
Giấy vẽ chất đống ở nơi xó xỉnh không đếm hết nổi, Trần Kiến Dương nhìn về phía tờ giấy trắng, làm thế nào cũng không vẽ được một nét nhỏ.
Cuối cùng, trên giấy chỉ nhuộm một chút sắc thái mờ mịt.
Tôi bay lại gần, muốn nhìn xem anh vừa vẽ gì.
Một màu xám tro của giấy ướt, là nước mắt Trần Kiến Dương.
Tôi nói, đừng khóc nữa, Trần Kiến Dương.
Nhưng Trần Kiến Dương không thể nghe thấy.
Tôi muốn nhặt mấy cây cọ vẽ đang rơi tán loạn trên đất lên giúp anh, nhưng làm thế nào cũng không cầm nổi một cây, chỉ đành phải từ bỏ.
Tôi lại bay tới trước mặt Trần Kiến Dương, làm mặt quỷ giống như trước kia, muốn chọc cho anh vui vẻ.
Có thể là do ánh mắt trống rỗng của anh, và những bi thương chôn sâu nơi đáy mắt, đã để lại một hang động thật sâu trong lòng tôi.
Mỗi ngày tôi đều bay theo bên cạnh anh, nhìn anh cứ như máy móc lặp đi lặp lại những sinh hoạt thường ngày, không ngờ chuyện bất trắc vẫn xảy ra.
Trần Kiến Dương rạch cổ tay, vào đúng ngày sinh nhật của anh.
Mẹ anh tới đưa bánh sinh nhật cho anh nhưng gõ cửa nửa ngày vẫn không thấy ai ra mở cửa, nên mới tự mình mở cửa ra, phát hiện Trần Kiến Dương đã rạch cổ tay từ khi nào.
Bánh sinh nhật bị vứt vào một góc, anh được đưa đến bệnh viện.
May mắn, Trần Kiến Dương được cấp cứu kịp thời, không bỏ mình vào ngày sinh nhật.
Mẹ Trần Kiến Dương khóc nói với anh: “Chắc chắn Viên Viên không muốn nhìn con trở thành người như vậy, nghe lời mẹ đi con, đừng làm chuyện điên rồ nữa có được không con.”
Trần Kiến Dương ngơ ngác đáp ứng.
Sau đó, Trần Kiến Dương không làm chuyện ngu xuẩn thêm lần nào nữa.
Trong lòng tôi vẫn còn cảm thấy sợ hãi, nếu ngày đó mẹ anh không bước vào trong, chúng tôi đã thành đôi uyên ương đoản mệnh.
Anh rất yêu tôi, không thể nghi ngờ.
Nhưng đây là lần đầu tiên, trước nay tôi chưa từng như vậy, tôi không muốn Trần Kiến Dương yêu tôi nữa.
Nếu anh không yêu tôi, anh đã có thể tiếp tục sống thật tốt.