1
“Chính thê phải có lòng độ lượng khoan dung với mọi người.”
Mẫu thân ta luôn dùng thân giáo để dạy dỗ ta như vậy. (Thân giáo tức là sự giáo dục, dạy bảo người khác thông qua hành động, việc làm cụ thể.)
Cha ta chính thức đón về phủ tổng cộng khoảng mười mấy vị thê thiếp – không nhiều lắm. Cảnh tượng sâu đậm nhất trong ký ức thời thơ ấu của ta là ở chính sảnh của mẫu thân, các di nương đến thỉnh an, rất náo nhiệt, nhưng ai cũng giấu kim trong bông mà đối đầu lẫn nhau.
Lúc nhỏ chỉ thấy đó là náo nhiệt, lớn lên rồi mới có thể nhìn ra những ý nghĩ thật sự ẩn sau lời nói của các di nương.
Có những di nương không được sủng ái muốn lấy lòng mẹ ta để tìm kiếm sự bảo vệ, có những di nương được sủng ái muốn thách thức địa vị của mẹ ta, có những di nương muốn kiếm thêm tiền bạc và quyền lực cho mình, còn có cả những di nương không hòa hợp với các di nương khác, muốn tìm mẹ ta làm chủ…
Những di nương với vẻ ngoài xinh đẹp này thay nhau đến rồi đi, chỉ có mẹ ta, vẫn luôn đứng vững trên cao, mãi mãi ung dung đài các, ôn hòa và đúng mực.
Cha ta không thường ở lại viện của mẹ ta, nhưng ông thường xuyên đến thăm.
Năm ta ba tuổi, có một di nương rất được cha ta sủng ái, trong tiểu viện đó lúc nào cũng hoa lệ và náo nhiệt, làm cho chính viện trở nên lạnh lẽo hơn nhiều.
Nhưng trong chính viện của mẹ ta lại chẳng ai thèm để ý, khi nhắc đến di nương đó, người hầu chỉ tỏ ra khinh bỉ mà nói một câu: “Cũng chỉ là một món đồ chơi.”
Sau này di nương đó cậy được sủng ái mà kiêu ngạo, dám phê bình việc chủ mẫu làm đúng hay sai trước mặt cha ta, chuyện còn chưa kịp truyền đến chỗ mẹ ta, cha ta đã sai người bán bà ta ra khỏi phủ.
Cha ta luôn làm người rất cẩn trọng, năm Thiên Hựu thứ ba có mười ba người đỗ tiến sĩ, sau đó vào Hàn Lâm Viện làm tu soạn, chưa đầy năm năm đã thăng lên Binh Bộ Thị Lang, trên con đường quan trường ông thuận buồm xuôi gió, chính là dựa vào tính cẩn trọng này.
Do đó mà chuyện “sủng thiếp diệt thê” dù chỉ manh nha cũng không thể xảy ra trong nhà chúng ta, nếu không kẻ địch chính trị của cha ta chỉ cần dâng sớ hạch tội ông cũng có thể chất thành đống.
Huống hồ, mẹ ta còn là đích nữ của gia tộc An Quốc Công Hầu, năm đó gả cho cha ta cũng được coi là một mối hôn sự môn đăng hộ đối, vì vậy dù cha ta có bao nhiêu thiếp, người ông tôn trọng chỉ có mẹ ta.
Bàn bạc việc nhà, tổ chức yến tiệc gia đình, mời khách, kết giao với các quý bà, quản lý tài sản, quyền lực trong phủ, tất cả đều nằm trong tay mẹ ta.
Ta còn một người đệ đệ, sau này quyền thừa kế của cả phủ sẽ nằm trong tay đệ đệ ta.
Với sự giáo dục từ nhỏ như vậy, ta tin rằng sau này mình cũng có thể làm rất tốt.
Ít nhất là trước đây ta đã làm rất tốt. Nhưng gần đây, ngày càng khó khăn hơn.
Vì khác với tiểu viện khi năm đó ta gả cho Thái tử Đông Cung của Đại Ấp, nay đã trở thành Hoàng hậu.
Hậu cung — khó quản lý hơn nhiều so với hậu viện.
2
Liên Kiều đến báo với ta rằng Thục phi đến thỉnh an. Gần đây ta bị ốm, đã miễn lễ thỉnh an của lục cung, chỉ muốn yên tĩnh một chút. Chỉ có Thục phi, ngày nào cũng đến hỏi thăm, chắc là nhàn rỗi quá.
Ta thở dài, cho nàng vào. Thục phi cũng là người cũ, từ khi Hoàng thượng còn là Thái tử Đông Cung nàng đã vào phủ, bây giờ cũng là một cung phi, nhưng hành vi vẫn thẳng thắn, miệng lưỡi lại cực kỳ cay nghiệt, nên quan hệ với các phi tần khác không mấy hòa hợp. Chỉ có thể nói vài câu với ta.
Sau khi thỉnh an xong, nàng không nhịn được oán trách: “Hoàng hậu nương nương, ta biết người đang bệnh, nhưng người cũng nên quản lý một chút. Trân tần sau khi vào cung thì cứ như con hồ ly, Hoàng thượng đã liên tiếp lật thẻ của nàng ta một tháng rồi.”
Nàng dùng sức vặn chiếc khăn lụa trong tay, biểu cảm căm phẫn nói: “Hồ ly mê hoặc chủ nhân, thật nên kéo ra ngoài đánh mấy chục roi để nàng ta nhớ đời.”
Thục phi ngày nào cũng lải nhải bên tai ta như vậy, Hoàng thượng lật thẻ của Trân tần bao lâu, nàng ta liền lải nhải trước mặt ta bấy nhiêu lần về thói xấu của Trân tần.
Chắc nàng quên rằng, năm đó khi mới vào Đông Cung, nàng cũng từng được sủng ái một thời gian, khi đó cậy sủng mà kiêu, sáng cố tình đến thỉnh an ta muộn, rồi dùng khăn che môi với vẻ e thẹn nói: “Thái tử phi thứ lỗi, chỉ vì thần thiếp hầu hạ Thái tử quá mệt, nhất thời không chú ý mà dậy muộn.”
Ta không thèm ngẩng đầu lên, để nàng quỳ ngoài cửa một giờ, để nàng nhớ lấy phép tắc và quy củ, sau đó nàng còn đối đầu với ta một thời gian.
Sau đó nữa, có người mới vào phủ, nàng dần mất đi sự sủng ái. Có lần, khi ta và Lý Dực bàn bạc xong việc ở thư phòng đi ra, thấy nàng bưng một bát cháo đứng đợi ở hành lang ngoài thư phòng, trời đã khuya và lạnh, nàng không biết đã đợi bao lâu, chân váy đã ướt mà không hề hay biết. Ta thở dài, nói với nàng: “Thái tử đã đi đến chỗ Triệu Bảo Lâm rồi, ngươi nên về đi thôi, trời tối lạnh lắm.”
Lúc đó, mắt nàng đỏ hoe. Thục phi xuất thân từ gia đình võ quan, từ nhỏ đã không có nhiều quy củ, vào phủ Thái tử cũng luôn thô lỗ, ầm ĩ, nhưng được cái thẳng thắn. Ngày đầu vào phủ, nàng dám leo cây để cứu một con mèo con không dám xuống, lúc đó bị Lý Dực bắt gặp, thì thấy rất thú vị.
Lý Dực tối đó đã nghỉ lại trong viện của nàng, và trách nhiệm của ta, với tư cách Thái tử phi, là phải phái một bà mụ đến dạy nàng quy củ – ví dụ như không được leo cây, vì lẽ nào một tiểu thiếp của Thái tử lại suốt ngày leo nhà leo cây, truyền ra ngoài sẽ ra thể thống gì.
Nhưng Thục phi lúc đó nghĩ rằng ta cố ý gây sự với nàng, nên mỗi lần gặp ta đều lạnh lùng, thái độ không tốt.
Tối hôm đó là lần đầu tiên ta thấy nàng lộ vẻ mặt mơ hồ, bất lực như vậy, nàng thất thần hỏi ta: “Sao ngài ấy lại đi đến chỗ Triệu Bảo Lâm? Ngài ấy chẳng phải đã nói sẽ đến thăm ta sao?”
Ta thở dài. Thật ra Lý Dực không phải là người ham mê nữ sắc, trước khi ta gả cho ngài ấy, bên cạnh ngài ấy thậm chí không có một người hầu nào. Sau khi ta gả, những người được ban tặng từ Hoàng thượng, từ Hoàng hậu, và những thiếp thất chính thức nhận vào phủ, cộng lại cũng chỉ năm sáu người – đối với một Thái tử mà nói, thực sự không nhiều.
Ngài ấy lại bận rộn công việc, không thể lúc nào cũng ở trong hậu viện, ngay cả khi vào hậu viện, cũng không thể thiên vị ai, hôm nay ở đây một đêm, ngày mai ở kia một đêm, nếu ai đó hợp ý ngài ấy, dù có sủng ái nhiều hơn một chút, chỉ cần không quá đáng, cũng có thể chấp nhận được.
Ta nhìn Thục phi đứng như khúc gỗ ở đó, thở dài, cuối cùng cũng không nói lời trách móc nào. Chuyện này phải tự mình trải qua mới thấu hiểu, người khác nói cũng vô ích.
Giống như ta ngày đó.