Năm thứ sáu sau khi tôi chết, Trần Kiến Dương thành lập một phòng làm việc của riêng mình.
Phòng làm việc nhận rất nhiều họa sĩ nhỏ khác vào làm việc.
Bọn họ ồn ào muốn Trần Kiến Dương vẽ một bức tranh.
Trần Kiến Dương dọn dẹp chiếc giá vẽ, màu sắc rực rỡ di chuyển khắp nơi, phác họa nên đường nét của một người phụ nữ, nhưng anh bất chợt dừng lại một cách khó hiểu.
Những học sinh kia đang ngóng trông bức tranh, tò mò hỏi anh bị gì thế.
Tôi cũng muốn hỏi anh đang bị gì.
Anh đứng dậy, ném bút vẽ vào trong xô nước, tràn ra đầy sàn.
Anh bảo: “Không vẽ nữa.”
Những học sinh kia mặc dù không hiểu tại sao, nhưng cũng không ép buộc anh.
Tôi cảm thấy nỗi buồn của Trần Kiến Dương không đúng lắm, nhưng không biết tại sao.
Nếu như tôi là con giun trong bụng anh thì tốt rồi, cái gì cũng sẽ biết hết.
Anh lái xe trở về nhà.
Lục tung một căn phòng không được tính là gọn gàng, cuối cùng rút ra một quyển album ảnh mỏng.
Tôi rất quen thuộc với quyển album này, một lần nọ tôi với Trần Kiến Dương đã đi mua chung, chuyên dùng để lưu trữ ảnh chụp chung của hai đứa tôi.
Tôi gọi nó là “sách yêu”.
Trần Kiến Dương lật một trang lại một trang, thật giống như nhìn bao nhiêu vẫn không đủ.
Tôi loáng thoáng đoán ra được gì đó.
Anh quên mất vẻ ngoài của tôi rồi.
Nhưng nhìn qua thì thấy anh vẫn rất bình tĩnh khi xem album ảnh.
Ngay tại lúc tôi thấy xúc động vì cuối cùng anh cũng đã trưởng thành, hốc mắt anh bắt đầu đỏ lên.
Một tay lau nước mắt, một tay lật từng trang ảnh.
Tôi đã đoán sai.
Trần Kiến Dương vẫn là Trần Kiến Dương khi trước.
Chẳng qua là anh đang trùm lên mình một vỏ bọc sắt thép mà thôi.
Nhưng bên trong vẫn là thủy tinh mong manh.
Sẽ vì quên mất dáng vẻ của Phương Viên Viên mà vỡ nát.
Tôi thở dài, nhẹ nhàng ôm lấy anh.
Cánh tay tôi xuyên qua thân thể.
Cái ôm của tôi xem như vô ích.
Cảm giác vô lực lan ra toàn thân tôi.
Tôi mang đến cho anh hạnh phúc và kỷ niệm đẹp.
Lại cho anh nhớ nhung và thống khổ vô tận.
“Viên Viên, anh đã quên mất hình dáng của em.”
Anh lại lẩm bầm lầu bầu.
“Viên Viên, em đừng trách anh nhé, anh sẽ cố nhớ lại em.”
Trần Kiến Dương ơi, em không trách anh đâu mà.
“Viên Viên, đáng lẽ anh phải hận em, hận em đã để anh lại một mình.”
Xin anh, hận em đi, quên em đi.
“Nhưng mà, Viên Viên, anh không hận em được, anh yêu em.”
Những giọt nước mắt kia cứ thế xuyên qua lòng bàn tay tôi, nhưng lưu lại cảm giác đốt cháy đau đớn.
Tôi tình nguyện để anh hận tôi.
“Trần Kiến Dương , quên em đi.”
Đáng tiếc, anh không nghe được.
Đáng tiếc. . .
Năm thứ bảy sau khi chết, Trần Kiến Dương hai mươi bảy tuổi, đi thành phố Hải một mình.
Thành phố Hải cách đây không xa.
Sau khi tôi thi đại học đã đi đến đó với anh.
Cũng xem như là đoạn thời gian cuối cùng tôi ở chung với anh trước khi chết.
Giống như khi trước đi núi tuyết, Trần Kiến Dương kéo một chiếc vali nhỏ, nói đi là đi.
Anh chọn đi vào mùa hè.
Khi đó chúng tôi cũng đi vào mùa hè..
Một mình anh đi đến thị trấn cổ.
Anh mua rất nhiều hàng thủ công mỹ nghệ ở đấy.
Tôi đi theo anh một vòng lại thêm một vòng, vẫn không tìm thấy ông lão khắc tượng gỗ năm đó.
Thật ra thì ông lão ấy điêu khắc tượng gỗ không được xem là tinh xảo gì cho cam, nhưng lại thắng ở phần xấu xí đó.
Nếu chỉ xấu xí thôi có thể Trần Kiến Dương sẽ xem thường, nhưng nó lại cực kỳ xấu nên Trần Kiến Dương mới mua một cái.
Lúc ấy anh cầm tượng gỗ vừa mới mua được, giơ lên thật cao, hô to: “Đây chính là Viên Viên.”
Nhìn cái tượng gỗ đó xem, lỗ mũi không ra lỗ mũi, đôi mắt cũng không ra đôi mắt, có chỗ nào giống tôi chứ.
Bởi vì chuyện này, tôi tức giận không nói chuyện với anh cả buổi sáng.
Anh đi đến tường thành cổ một mình.
Nhìn mặt tường kia giống như đã cũ kĩ hơn, nhưng vẫn có không ít du khách đến đấy chụp hình.
Tôi và Trần Kiến Dương cũng từng chụp ảnh ở đó.
Hôm ấy tôi không mặc quần áo chống nắng, Trần Kiến Dương hò hét cả ngày trời muốn chụp ảnh dưới ánh nắng nhưng tôi vẫn không đồng ý,
Trên tường thành có khắc chữ, cũng xem như là có chút phong cảnh.
Trần Kiến Dương nói muốn chụp hình.
Tôi nhìn thấy dưới tường thành chỉ có một chút bóng râm, gượng gạo đồng ý.
Hai người bọn tôi toét miệng cười thật to, nhìn đúng chuẩn du khách.
Là loại du khách nhìn vừa xấu vừa ngây ngô ý.
Trần Kiến Dương đăng lên Wechat, dì Lâm còn hỏi người kia đâu.
Tôi ngại mình xấu, không dám đăng lên.
Anh đi công viên hoa một mình.
Trong công viên nhiều hoa, muỗi cùng nhiều, tôi mặc váy bị muỗi chích đến mấy vết.
Trần Kiến Dương luôn mang theo thuốc đuổi muỗi bên người, đi tới đâu là phun tới đó, còn tự xưng là “chiến sĩ bảo vệ Viên Viên.”
Quả nhiên, cho dù là đi tới nơi nào, Trần Kiến Dương đều là người nổi bật nhất.
Cuối cùng, chai xịt đuổi muỗi bị nhân viên làm việc tạm thời tịch thu.
Bởi vì anh phun qua nhiều thuốc.
Một mình anh đi đến bãi biển thành phố hải.
Chạng vạng tối, trên bãi cát, trước biển lớn,
Váy dài tóc đen suôn mượt, phải là cảnh tượng rất đẹp mới đúng.
Nhưng có thể là vì gió quá lớn, tóc tôi giống như rong biển vậy, cứ bay loạn khắp nơi.
Tôi hết vén bên trái lại vén bên phải, trông như nữ quỷ vậy.
Khi tay chân tôi vẫn còn luống cuống, một bàn tay đã thay tôi tóm gọn toàn bộ tóc từ phía sau.
Tôi được thả lỏng hai tay và tầm mắt, cuối cùng cũng có thể thoải mái thưởng thức cảnh đẹp.
Trần Kiến Dương bất ngờ quay người tôi sang đối mặt với anh.
Sóng biển thay nhau vỗ vào bờ, phát ra âm thanh xào xạc.
Xung quanh rất yên tĩnh.
Trần Kiến Dương nói, Viên Viên, chúng ta có thể hôn môi không?
Tôi nhìn chằm chằm hai bên tai đã đỏ ửng lên của anh, trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.
Tôi nói, được.
Trần Kiến Dương mua rất nhiều thứ ở thành phố Hải, nào là tượng gỗ, vỏ ốc, còn có một chút đặc sản.
Cuối cùng lại mang đến cho nhà tôi.
An An chơi cực kì vui.
Mẹ không hỏi Trần Kiến Dương có vượt qua không nữa.
Chỉ cười nói: “Tiểu Dương, chững chạc rồi.”