12.
Khai xuân, Chu Hoài Thư tính toán mang theo ta và ma ma cùng chuyển đến Lâm Châu phủ, học đường Lâm Châu phủ so với thư thục trong thôn không biết lớn hơn bao nhiêu lần.
Vào Lâm Châu phủ cũng có thể bắt đầu tham gia thi khoa cử từng cấp. Kiếp trước văn chương của Chu Hoài Thư nổi danh lên tận trời cao, cho nên học vấn của hắn thì không cần lo lắng.
Như vậy, hiện tại chỉ còn một chút phiền toái. Tìm cách giải quyết sinh kế của cả gia đình.
Chu Hoài Thư đề xuất tổ tiên Chu gia từng ở Lâm Châu phủ có hai cửa hàng đã bị bỏ hoang nhiều năm, đến kinh thành rồi không bằng bán đi, số tiền bán được có thể dùng để thuê một căn nhà tạm nghỉ chân.
“Thư Hoài ngươi có từng nghĩ tới, nếu bán cửa hàng vậy vấn đề ăn mặc của cả nhà chúng ta sẽ giải quyết như thế nào hay không? Lâm Châu phủ không thể so với thôn trấn nhỏ, giá cả đương nhiên cũng đắt hơn.”
Nhớ lại kiếp trước, Hoàng Thượng cũng từng đề cập qua mấy thí sinh nghèo khó bần hàn trong đó có Chu Hoài Thư, có thể thấy được sau khi bán cửa hàng, cuộc sống của hắn và ma ma vô cùng túng quẫn.
Chu Hoài Thư cũng không biết cách giải quyết, hắn cho tới bây giờ chỉ biết đọc sách, thời điểm trong nhà gặp nạn hắn vẫn còn nhỏ, còn chưa từng tiếp xúc qua những thủ đoạn trong việc quản lý cửa hàng, điền sản.
Ta đành phải khuyên hắn tới châu phủ xem xét rồi mới tính toán. Quả nhiên vẫn là ta tinh mắt. Cửa hàng Chu gia ở Lâm Châu phủ quả nhiên là vị trí tốt.
Cửa hàng mặc dù không lớn, nhưng hơn ở chỗ nằm ở vị trí tốt, phía sau còn có một tiểu viện có thể ở lại. Nơi này vốn là một hiệu sách, ngay đầu ngõ Bách Hoa.
Ngõ Bách Hoa phần lớn là người đọc sách đến châu phủ thuê trọ, môi trường xung quanh lịch sự tao nhã, cách xa phố xá sầm uất, rất thích hợp cho cả nhà chúng ta.
Ta, Chu Hoài Thư và ma ma cùng thương lượng, tốt nhất là dọn dẹp lại tiểu viện phía sau, sau này có muốn buôn bán làm ăn thì cũng có sẵn cửa hàng.
Trên đường tới đây ta đã dò hỏi qua, muốn thuê một cửa hàng ở Lâm Châu phủ tốn không ít bạc, nếu cho thuê cửa hàng có sẵn vậy cũng kiếm được một phần thu nhập.
Chu Hoài Thư tính toán sơ lược, như thế có lợi hơn nhiều so với bán cửa hàng rồi thuê nhà. Thế là chúng ta quyết định ở lại tiểu viện.
13.
Từ sau khi đặt chân đến Lâm Châu phủ, Chu Hoài Thư mỗi ngày đều đến học đường học tập, mưa gió cũng không gây trở ngại.
Lúc mới đến cũng chưa biết phải buôn bán gì, ma ma liền bày một cái nồi lớn ở trước cửa, mỗi ngày đều nấu canh bán, ba văn tiền một chén, cũng có không ít thư sinh đến mua.
Ta vẫn như cũ thêu một ít khăn tay mang đi bán, nhưng yêu cầu của khách hàng ở Lâm Châu phủ so với trấn Thông An đương nhiên cao hơn nhiều, buôn bán cũng không dễ dàng.
Hôm nay Chu Hoài Thư được nghỉ, chúng ta đi dạo trên đường, gặp phải một chuyện lạ ở trước cửa nha môn.
Thân là tiểu thiếp của một hộ làm ăn giàu có, lại ở nha môn đánh trống kêu oan, luôn miệng nói muốn hòa ly. Ta đi ngang qua nghe được những lời này cảm thấy kinh sợ.
Nữ tử này sao lại lớn mật như thế, từ xưa đến nay đều là vợ phải theo chồng, huống chi nàng chỉ là thiếp thất. Chu Hoài Thư thấy ta cảm thấy hứng thú, liền kéo ta lại gần xem náo nhiệt.
Theo lời hắn nói, nữ tử này đã náo loạn mấy ngày rồi, gần đây trong học đường đều đang thảo luận việc này. Một vị đại nương đứng bên cạnh ta, tay cầm một nắm hạt dưa, lại nhìn vỏ hạt dưa đầy đất, nghĩ chắc cũng đã xem náo nhiệt rất lâu.
Đại nương kéo ta ríu rít nói không ngừng. Thì ra nữ tử này là tiểu thiếp của phú thương Lý gia, tên là Thúy Hương, nàng là nữ tử xuất thân trong một gia đình đàng hoàng, vì để chữa bệnh cho lão phụ trong nhà mới được mua vào Lý gia, coi như là một lương thiếp.
Ai ngờ, chủ mẫu Lý gia là một người rất lợi hại. Thúy Hương lúc mới vào phủ cũng được sủng ái mấy tháng, nhưng Lý lão gia thê thiếp rất nhiều, có biết bao nhiêu người đang chờ được sủng ái.
Thúy Hương căn bản cũng không ái mộ lão gia, cùng lắm chỉ là vì để được nhận phần tiền tiêu vặt mỗi tháng gửi về nhà chữa bệnh. Không ngờ nàng không tranh không đoạt, nhưng Lý phu nhân lại không tha cho nàng.
Nhà mẹ đẻ Lý phu nhân cũng là phú thương, quan hệ với Lý gia không tệ, mấy năm trước lui tới mật thiết, Lý phu nhân cũng bởi vậy mà sinh lòng ái mộ Lý lão gia.
Nhưng Lý lão gia lại ham mê sắc đẹp, thiếp thất trong nhà đã nạp vài người, lúc Lý phu nhân được sủng ái thì những thiếp thất đó cũng được sống dễ chịu một chút, nhưng một khi thất sủng, bà ta liền bắt đầu nghĩ đủ mọi cách để trừng phạt họ như phạt quỳ, phạt tù, bắt đi làm việc là nhẹ nhất.
Thúy Hương là một người cứng rắn, nàng không phục Lý phu nhân bịa chuyện rồi kiếm cớ trách phạt mình, nên khi Lý phu nhân lại một lần nữa bắt nàng và các thiếp thất khác phạt quỳ đã công khai chống đối lại bà ta.
Lý phu nhân giận dữ, sai người trói Thuý Hương lại rồi đánh gậy. Về sau mỗi lần Thúy Hương phản kháng sẽ bị đánh càng tàn nhẫn hơn.
Bên tai truyền đến từng hồi trống hoà với tiếng hò hét của nữ tử: “Cầu Thanh Thiên đại lão gia làm chủ! Dân nữ cũng là lương dân, chủ mẫu trong nhà tùy ý đánh chửi tỷ muội chúng ta, thật là quá bất công, quả thật là làm việc thiên tư trái pháp luật! Cầu Thanh Thiên đại lão gia phán cho ta được hòa ly!”
“Ngươi thấy chuyện này thế nào.” Chu Hoài Thư hỏi ta chuyện của Thuý Hương.
Ta còn chưa hoàn hồn lại trong tiếng la hét, rõ ràng từng câu từng chữ của nàng: “Ta mặc dù đồng tình với cảnh ngộ của nàng, nhưng chuyện hòa ly thật khiến người ta sợ hãi. Huống chi một thiếp thất như nàng không quyền không thế, nhà lão gia cùng nhà mẹ đẻ phu nhân đều là phú thương, nếu hòa ly không thành, chỉ sợ cuộc sống càng thêm khổ sở.”
Chu Hoài Thư lại không nghĩ như vậy: “Trong học đường có một vị đồng môn là thân thích của Tri phủ đại nhân, theo lời hắn nói thì Tri phủ đại nhân là người nhân từ, luôn chủ trương mọi người bình đẳng.”
“Ngươi còn nhớ đám cung nữ rơi xuống nước năm trước, vốn cấp trên muốn đưa bọn họ vào chùa miếu tu hành, may là có Tri phủ đại nhân ngăn lại đưa các nàng về nhà.”
“Thật sao? Vậy nếu dân chúng bình thường như chúng ta chống lại nhà quyền thế cũng có thể được chủ trì công đạo sao?”
“Nếu Ninh Ninh không tin, vậy chúng ta hãy chờ xem kết quả.”
Không tới mấy ngày, đã nghe dân chúng ở trên đường đều đang nghị luận sôi nổi, Tri phủ đại nhân quả thật phán cho Thúy Hương hòa ly!
Trong lòng ta cũng thở phào nhẹ nhõm thay Thúy Hương, hy vọng sau này nàng ấy có thể sống thật tốt.
14.
Sau khi vào hạ, Chu Hoài Thư học tập càng khẩn trương hơn, dốc toàn lực để chuẩn bị cho kì thi vào mùa thu tháng tám.
Ma ma cả ngày sợ hắn ăn không ngon ngủ không ngon, nhưng cũng không dám quấy rầy hắn đọc sách, chỉ có thể thay đổi phương pháp hầm canh bổ dưỡng.
Ta không lo lắng về học vấn của Chu Hoài Thư, lúc trước khi ta tới Chu gia, hắn đã sớm trúng tú tài, văn chương sau kỳ thi Hương mới có thể nổi danh lên tới tận trời, nên đương nhiên hắn sẽ không có vấn đề gì.
Nhưng so với những người ở đây, ta là nhàn nhã nhất, những tiểu nương tử khác lo lắng đến mức ăn không ngon ngủ không yên.
Ta mở một xưởng thêu. Nói xưởng thêu thật ra cũng không thích hợp lắm, ta chỉ biết thêu thùa, chỉ là dạy một số kỹ năng thêu cho mọi người ở cửa hàng phía trước.
Các học trò của ta phần lớn đều là những nữ tử đi theo chăm sóc người nhà, trượng phu đến châu phủ khảo thí, thiên hạ không quá thích nữ tử khoe khoang tài năng ở bên ngoài, nam nhân ban ngày đều ở học đường, bọn họ ở trong nhà cũng không có việc gì làm.
Vì thế ta liền thu xếp mở một xưởng thêu, dạy các nàng nghề thêu, mỗi người mỗi tuần đóng cho ta mấy chục văn tiền học phí để thể hiện tình nghĩa “thầy trò”.
Sau khi học xong bọn họ có thể tự thêu khăn tay hoặc xiêm y mang đi bán cũng có thể trợ cấp một ít chi phí sinh hoạt, ta cũng không quan tâm đến những việc này.
Các tiểu nương tử ở đây phần lớn đều đã thành thân, thấy trong nhà ta ít người nên mặc định nghĩ ta và Chu Hoài Thư là một đôi.
Mới đầu Chu Hoài Thư còn ngượng ngùng khi xuất hiện giữa một đám nữ tử, nhưng sau đó cũng dần quen, tan học trở về sẽ mang bánh ngọt hoặc đồ chơi mới lạ cho ta.
Bởi vậy dù ta có giải thích thế nào rằng chúng ta chỉ là người nhà, các nàng cũng không tin. Trong sự lo lắng và chờ đợi của mọi người, kỳ thi Hương đã bắt đầu.
Kì thi Hương chia làm ba trận, mỗi trận thi ba ngày, tổng cộng chín ngày. Ma ma nghe nói bên trong trường thi cái gì cũng không có, nên chuẩn bị một đống chăn mền, xiêm y cho Chu Hoài Thư, còn muốn cho ta tự tay thêu một cái áo lót mềm mại.
Lại chuẩn bị không ít đồ ăn, dặn Chu Hoài Thư nếu không quen ăn cơm trong trường thi thì lấy đồ bà đã chuẩn bị mà ăn.
Chín ngày sau ta và ma ma đứng đợi bên ngoài trường thi đón người, thấy khí sắc Chu Hoài Thư mặc dù không tốt lắm, nhưng tinh thần không tệ, nói vậy kì thi hẳn là đã thuận lợi.
Thời gian trước khi công bố thứ hạng, cho dù ma ma hỏi tình huống thi cử như thế nào, Chu Hoài Thư cũng chỉ bỏ lại hai chữ ‘Cũng được’, chọc cho ma ma tức giận không muốn để ý tới hắn.
Lúc này vẫn là nhờ có Thúy Hương đi ra hòa giải, nàng nói chuyện khôi hài, tính tình hoạt bát, cởi mở, ma ma ở chung với nàng rất tốt. Chu Hoài Thư thấy Thúy Hương ở đây thì hơi sửng sốt, sau đó mới tới hỏi ta nguyên do.
Ta chỉ nói lúc hắn đi thi, Thúy Hương tới xưởng thêu của ta học thêu, hắn cũng không nói gì nữa. Đến ngày công bố, Chu Hoài Thư quả nhiên thi đậu, không chỉ như thế, còn đậu Trạng Nguyên.
Ma ma cực kỳ cao hứng, đặc biệt mua rất nhiều bánh ngọt trái cây gửi cho hàng xóm đi theo chúc mừng, rất vui vẻ. Mãi cho đến giao thừa năm mới, nụ cười vui vẻ của ma ma cũng không buông xuống.